Cảnh giác với những luận điệu chống phá trong tinh gọn tổ chức bộ máy
Tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, đang được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, lợi dụng vấn đề này, các thế lực thù địch liên tục đưa ra những luận điệu xuyên tạc, thông tin giả để chống phá Đảng, Nhà nước, gây hoang mang, chia rẽ dư luận. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần tỉnh táo, phân tích, nhận định rõ đúng-sai để xây dựng, củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần thực hiện thành công chủ trương đặc biệt quan trọng này.
Hoàn toàn không phải “ý chí chủ quan”
Trên một số trang mạng, có luận điệu xuyên tạc
rằng việc tinh gọn tổ chức bộ máy là do “ý chí chủ quan” của cá nhân nhằm “ghi
điểm, tạo dấu ấn” hoặc “triệt hạ đối thủ”, bởi nhiều năm qua, bộ máy “vẫn được
giữ nguyên”, chỉ thực hiện tinh gọn khi vừa qua Việt Nam có lãnh đạo mới
(!?).
Nhưng
thực tế đã phủ nhận luận điệu xuyên tạc này. Tinh gọn tổ chức bộ máy là chủ
trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng ta. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng ta đã
ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết về
công tác xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Từ năm 2015, Bộ Chính
trị đã có Nghị quyết số 39-NQ/TW "Về tinh giản biên chế và cơ cấu lại
đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức". Đặc biệt, ngày 25/10/2017, Ban
Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số
vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh
gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Nghị quyết 18 đặt ra mục tiêu đến năm 2021
cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, kiện toàn một số tổ chức và các đầu mối bên
trong của từng tổ chức theo hướng giảm đầu mối, giảm tối đa cấp trung gian;
giảm tối thiểu 10% biên chế so với năm 2015... Đến năm 2030, hoàn thành việc
nghiên cứu và tổ chức thực hiện mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị
phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới...
Qua
hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18, hệ thống tổ chức của Đảng, Nhà
nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội từng bước được đổi mới;
chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều
chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp
quyền và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên,
tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung
gian, nhiều đầu mối, chồng chéo, hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng
được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao. Chi thường xuyên cho bộ máy chiếm tới gần 70%
tổng chi ngân sách nhà nước (trong khi con số này ở nhiều nước chỉ khoảng
48-50%), do đó không còn đủ nguồn lực để đầu tư phát triển...
Một điều hiển nhiên là nếu không khắc phục
được những bất cập, hạn chế nêu trên thì đất nước sẽ không thể phát triển để
đạt mục tiêu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu
nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao mà
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Vì vậy, tiếp tục quyết liệt thực
hiện Nghị quyết 18 để tinh gọn tổ chức bộ máy phù hợp với điều kiện, tình hình
mới là việc làm tất yếu khách quan, là yêu cầu từ thực tiễn, là ý chí, nguyện
vọng của toàn Đảng, toàn dân, của cả hệ thống chính trị, hoàn toàn không phải
là “ý chí chủ quan” của bất cứ cá nhân nào!
Giải pháp phù hợp cho giai đoạn chuyển tiếp
“Càng tinh gọn lại càng phình ra"... Đây
là luận điệu xuyên tạc, chống phá của các đối tượng xấu trên một số đài, báo
nước ngoài khi “đưa tin”, “bình luận” về việc Chính phủ, Quốc hội, một số bộ,
cơ quan sau khi sáp nhập, tổ chức lại thì số cán bộ cấp phó tăng hơn so với quy
định.
Đúng là có thực tế sau khi thực hiện sáp nhập,
hợp nhất, tổ chức lại thì số cán bộ cấp phó ở một số cơ quan từ Trung ương đến
địa phương tăng cao hơn so với quy định. Tuy nhiên, đây là giải pháp phù hợp
cho giai đoạn chuyển tiếp, bởi số lượng cơ quan và cán bộ lãnh đạo thuộc diện
phải sáp nhập, giải thể... là rất lớn, không thể máy móc “áp” đúng số lượng cấp
phó ngay tại thời điểm sắp xếp lại. Khi hợp nhất, sáp nhập 2 cơ quan thì việc
một cán bộ cấp trưởng và đội ngũ cán bộ cấp phó của 2 cơ quan này nếu vẫn còn
thời gian công tác, có trình độ, năng lực, kinh nghiệm, trở thành cấp phó của
người đứng đầu cơ quan mới cũng là hợp tình hợp lý, vừa không lãng phí nguồn
nhân lực, vừa mang ý nghĩa nhân văn.
Hơn nữa, đây cũng chỉ là giải pháp tình thế,
sau một thời gian, số lượng cấp phó sẽ phải giảm đi. Điều này đã được đề cập
trong nghị quyết của Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày
19-2, quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà
nước. Theo đó, nghị quyết nêu rõ, khi sắp xếp tổ chức bộ máy mà số lượng cấp
phó của người đứng đầu cơ quan nhiều hơn số lượng tối đa theo quy định của pháp
luật thì chậm nhất là 5 năm kể từ ngày quyết định sắp xếp tổ chức bộ máy của
cấp có thẩm quyền có hiệu lực, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan phải
giảm theo đúng quy định.
Như vậy, về lâu dài thì không hề có việc cấp
phó “càng tinh gọn lại càng phình ra” như các luận điệu xuyên tạc. Việc tăng số
lượng cấp phó của người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội, các bộ, cơ quan... chỉ là
giải pháp tình thế cho giai đoạn chuyển tiếp, tồn tại trong một thời gian nhất
định.
Cảnh giác với tin giả